LUẬN VĂN THẠC SĨ - TRẦN NHẬT THANH - Biện pháp quản lí hoạt động dạy học của các trường tiểu học ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Theo Luật Giáo dục 2009, tiểu học là cấp
học đầu tiên của bậc học phổ thông, là cấp học nền tảng của hệ thống giáo dục
quốc dân. Chính vì vậy, cấp học này được Đảng và Nhà nước có sự quan tâm đặc
biệt. Việt Nam
đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, và hiện nay đang tiến
hành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Thành quả phổ cập giáo dục tiểu
học đúng độ tuổi có phần đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo
dục tiểu học trong thời gian qua.
Tải về
Trong nhà trường tiểu học, dạy học là
hoạt động trọng tâm, xuyên suốt quá trình hoạt động của nhà trường. Mặt khác,
chất lượng dạy học là vấn đề đặc biệt được nhiều người quan tâm. Muốn chất
lượng dạy học được đảm bảo thì công tác quản lí dạy học đóng vai trò cực kỳ
quan trọng. Quản lí dạy học với chức năng điều khiển hoạt động dạy học theo
hướng đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu mục tiêu dạy học đề ra.
Chất lượng giáo dục được đặt ra trong bối cảnh nước ta đang xây
dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và bước
vào hội nhập sâu rộng ở khu vực và trên thế giới. Hiện nay, xu thế toàn cầu
hóa, xu thế hợp tác và cạnh tranh không những mang tầm cỡ quốc gia, mà còn mang
tầm cỡ quốc tế diễn ra trên tất cả các hoạt động đời sống xã hội ngày càng gay
gắt. Đây thực sự là thời cơ và cũng là thách thức đối với giáo dục. Thách thức
nổi bật nhất là chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của sự phát
triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn
dân ta đang chuẩn bị mọi điều kiện để tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục và đào tạo được Đảng ta xác định trong Nghị quyết số 29 là:
“ Đổi mới căn bản công tác quản lí giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống
nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào
tạo; coi trọng quản lí chất lượng ” [1, tr. 8].
Trong thời gian qua, công
tác quản lí hoạt động dạy học ở các trường tiểu học huyện Trần Văn Thời, tỉnh
Cà Mau được cán bộ quản lí các trường tổ chức thực hiện đúng theo chỉ đạo,
hướng dẫn của các cấp, các ngành có liên quan. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu
đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh thì công tác quản lí
hoạt động dạy học ở các trường này cần phải có những biện pháp tích cực để quản
lí có hiệu hoạt động dạy học của nhà trường.
Hiện nay, trong công tác
quản lí chất lượng nói chung, chất lượng dạy học nói riêng thường có nhiều mô hình khác nhau:
Mô hình kiểm soát chất lượng; mô hình đảm bảo chất lượng và mô hình quản lí
chất lượng tổng thể. Để góp phần nâng cao chất lượng dạy học các trường tiểu
học ở huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau chúng tôi đề xuất các biện pháp quản lí
theo mô hình đảm bảo chất lượng. Theo mô hình này, việc quản lí hoạt động dạy
học cần được quản lí tốt ở 3 giai đoạn cơ bản: Quản lí đầu vào, quản lí quá
trình tổ chức dạy học và quản lí đầu ra.
Xuất
phát từ những vấn đề lí luận và thực tiễn nêu trên chúng tôi quyết định chọn vấn đề “Biện pháp quản lí hoạt động dạy học của
các trường tiểu học ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau” cho đề tài luận văn
thạc sĩ của mình.
2. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu lí
luận và thực tiễn về quản lí hoạt động dạy học đề xuất biện pháp quản lí hoạt
động dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học góp phần nâng cao chất lượng dạy
học và giáo dục của các trường tiểu học huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Phân tích cơ sở lí luận
về quản lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng các trường tiểu học.
- Chỉ ra thực trạng việc
quản lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học huyện Trần Văn Thời,
tỉnh Cà Mau.
- Đề xuất biện pháp pháp
nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động dạy học ở các trường tiểu học huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà
Mau
4. Giả thuyết khoa học
Việc quản lí hoạt động
dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau nhìn
chung đang có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế
như rập khuôn, máy móc, thiếu linh hoạt,
sáng tạo, thiếu tư vấn, thúc đẩy. Nếu áp dụng biện pháp quản hoạt động
dạy học khả thi thì hoạt động dạy học sẽ phát triển đáp ứng được yêu cầu đổi
mới căn bản toàn, diện giáo dục và đào tạo.
5. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
5.1. Khách thể nghiên cứu:
Biện pháp quản lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học
5.2. Đối tượng nghiên
cứu: Biện pháp quản lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học huyện
Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lí luận
Phân tích, tổng hợp, khái
quát hóa các văn bản quy phạm pháp luật, các công trình và các tài liệu khoa
học có liên quan đến quản lí dạy học tiểu học của người hiệu trưởng.
6.2. Nhóm các phương pháp nghiên cứu thực tiễn
- Phương pháp quan sát: Quan sát thực trạng, kết quả quản lí hoạt động dạy
học của người hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn huyện Trần Văn Thời
tỉnh Cà Mau.
- Phương pháp điều tra: Để có được thông tin công tác quản lí hoạt động dạy học của
các hiệu trưởng các trường tiểu học ở huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau chúng tôi
đã tiến hành khảo sát trên 107 cán bộ quản lí các trường tiểu học và 200 giáo
viên tiểu học ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phương pháp điều tra còn được
chúng tôi sử dụng để khảo nghiệm tính cấp thiết và tính khả thi về các biện pháp
do luận văn đề xuất trên phạm vi 100 chuyên gia của ngành giáo dục và đào tạo
của huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau.
- Phương pháp tổng kết kinh nghiệm: Nghiên cứu các báo cáo tổng kết
kinh nghiệm, đánh giá hoạt động quản lí dạy học của hiệu trưởng, định kỳ hàng
năm học để so sánh, phân tích hiệu quả các biện pháp quản lí dạy học.
- Phương pháp chuyên gia: Xin ý kiến của các chuyên gia về biện pháp quản lí
dạy học tiểu học của hiệu trưởng tiểu học nhằm tìm ra biện pháp quản lí dạy học
hiệu quả.
6.3. Phương pháp thống kê
toán học
Dùng các phép toán thống
kê để xử lí số liệu nghiên cứu.
7. Đóng góp của luận văn
- Hệ thống hóa được hệ
thống lí luận về quản lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng các trường tiểu học.
- Chỉ ra được thực trạng
việc quản lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học huyện Trần Văn
Thời, tỉnh Cà Mau.
- Đề xuất được các biện
pháp pháp nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động dạy học ở các trường tiểu học huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà
Mau.
8. Cấu trúc luận văn
Luận văn ngoài phần mở
đầu, kết luận, kiến nghị và tài liệu tham khảo, nội dung gồm 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lí luận
về việc quản lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học.
Chương 2. Thực trạng quản
lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà
Mau
Chương 3. Biện pháp quản
lí hoạt động dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học huyện Trần Văn Thời tỉnh
Cà Mau.